Dù thị phần và doanh thu của Amazon vẫn còn rất lớn so với Microsoft, sự thật là chỉ duy nhất gã khổng lồ phần mềm có đủ khả năng để đe dọa tới vị trí số 1 của Amazon. Trong tất cả các đối thủ, Microsoft vừa có lợi thế trên lĩnh vực yếu kém nhất của Amazon, lại vừa hiểu rõ nhu cầu có thể là tương lai của các doanh nghiệp: hybrid cloud.
Nếu như doanh số iPhone là điều duy nhất người ta cần để ý khi đọc báo cáo tài chính của Apple thì doanh thu đám mây cũng là trọng tâm của báo cáo tài chính từ Microsoft. Và trong khi doanh số iPhone đã đi vào kỷ nguyên suy thoái, Microsoft vẫn đang chứng kiến đám mây của mình bùng nổ một cách mạnh mẽ: Azure tăng trưởng 97%, Office 365 vượt mặt Office truyền thống về doanh thu, tổng doanh thu mảng Intelligent Cloud tăng 11%.
Hiện tại, doanh thu dự phóng của đám mây Microsoft đã lên tới 18,9 tỷ USD. Doanh thu thực tế trong quý vừa qua là 7,4 tỷ USD, tức là ngang tầm với doanh thu của Facebook hay NVIDIA.
Và đó sẽ là một tín hiệu rất, rất đáng lo ngại cho ông vua hiện tại của đám mây: Amazon.
Mũi tên vào gót chân Amazon
Thực tế, mảng kinh doanh đám mây của Amazon vẫn đang áp đảo các đối thủ cạnh tranh. Trong khi Microsoft mới chỉ dám công bố doanh thu dự phóng (dùng doanh thu một quý để ước tính cho cả năm), Amazon mới là kẻ đầu tiên biến đám mây thành một mảng kinh doanh tầm vóc chục tỷ đô. Nhiều số liệu cho thấy thị phần của Amazon vẫn cao hơn cả 3 đối thủ tiếp theo (Microsoft, Google và IBM) cộng lại.
Nhưng điều này không có nghĩa rằng Amazon không cần phải lo ngại. Đứng trước một đối thủ như Microsoft, ông vua đám mây có quá nhiều điểm yếu, trong đó trầm trọng nhất là sự vắng mặt hoàn toàn trên lĩnh vực Software as a Service và Application as a Service. Đây cũng chính là lĩnh vực Microsoft làm chủ một cách mạnh mẽ, với minh chứng điển hình là thành công ngày càng rõ rệt của Office 365. Không một đối thủ nào có thể đánh bại Office từ thời bản quyền – lên đám mây, điều đó cũng sẽ không thay đổi.
Những lĩnh vực SaaS/AaaS khác cũng chứng kiến sự bành trướng tương tự của Microsoft. Cả Amazon lẫn những kẻ theo sau như Google, Oracle và IBM đều không sở hữu một dịch vụ chat tầm cỡ Skype hay một mạng xã hội dành cho người dùng chuyên nghiệp như LinkedIn. Trong khi Amazon mới chỉ tung ra sản phẩm dịch vụ đáng chú ý duy nhất là Lex (giao diện giọng nói) thì Microsoft đã có hẳn một bộ Cognitive AI trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giọng nói, hình ảnh, phân tích dữ liệu v…v… Nhắc đến đám mây của Amazon vẫn là nhắc tới đám mây tính toán thuần túy, mở rộng đường cho Microsoft tấn công vào kẽ hở SaaS và AaaS.
Hiểu quá rõ nhu cầu của doanh nghiệp
Amazon có thể đã có lợi thế khởi đầu trên đám mây, nhưng Microsoft thì lại có lợi thế hàng chục năm trên lĩnh vực doanh nghiệp nói chung. Gã khổng lồ phần mềm hiểu quá rõ cung cách làm ăn và các nhu cầu đặc thù của các doanh nghiệp lớn. Từ đó, những lợi thế của riêng Azure sẽ xuất hiện.
Azure Stack là ví dụ điển hình của các lợi thế này. Trong khi “lên mây” là xu thế tất yếu, rất nhiều công ty vẫn cần lưu trữ một khối lượng dữ liệu hoặc các dịch vụ nhất định trên các máy chủ riêng (on-premises). Một số công ty khác lại đòi hỏi phải có các bản sao lưu tại chỗ để vẫn có thể làm việc khi đám mây gặp sự cố. Dĩ nhiên, tâm lý chần chừ không dám từ bỏ môi trường riêng vì các lo ngại an ninh hoặc vì nhu cầu kiểm soát tối đa các dữ liệu/tính năng của hệ thống IT cũng vẫn còn tồn tại. Kết quả là mô hình “đám mây lai” phải xuất hiện, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa môi trường on-cloud và môi trường on-premises.
Một sự kết hợp như vậy đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn trên mảng on-premises, một thứ mà Amazon thua kém hoàn toàn so với Microsoft. Các công nghệ của Microsoft như MS-SQL, Exchange, .NET, Windows Server v…v… đã có mặt trên môi trường doanh nghiệp từ trước cả khi AWS lẫn Azure xuất hiện. Khi cải tiến các công nghệ này để có thể kết hợp hoàn hảo với môi trường đám mây, và khi tung ra các phiên bản on-premises dành cho các dịch vụ vốn chỉ thuộc về Azure, công ty của Satya Nadella sẽ mang đến đám mây lai tuyệt vời nhất có thể. Một lần nữa, đây lại là một đòn đánh mà Amazon không có cách nào chống trả.
Gã khổng lồ bất tử
Ngay cả trong những năm tháng đen tối dưới quyền Steve Ballmer, cũng chẳng có ai nghĩ rằng Microsoft sẽ có ngày phải chết cả. Cuối cùng thì hãng này vẫn nắm trong tay hệ điều hành PC và bộ ứng dụng văn phòng phổ biến nhất thế giới. Không một đối thủ cạnh tranh nào có thể vượt mặt Windows và Office.
Trong môi trường doanh nghiệp, sự thật này càng trở nên quan trọng. Bất kể bạn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng hay y tế, xuất nhập khẩu hay bán lẻ, sử dụng Windows và Office cũng đã trở thành các kỹ năng cơ bản mà nhà tuyển dụng đòi hỏi từ nhân viên. Trái lại, nhu cầu dành cho Mac, Linux hay OpenOffice vẫn là quá nhỏ bé.
Chính lợi thế này sẽ giúp Microsoft luôn luôn hiện diện trong thị trường doanh nghiệp. Ngay cả khi đang sử dụng đám mây của AWS, bạn vẫn sẽ cần tới một vài sản phẩm/dịch vụ của Microsoft. Sử dụng vị thế “bất tử” của mình, Microsoft sẽ tìm mọi cách để tạo ra những lợi thế rất riêng nhằm đánh bại AWS: khi Office 365 được bán kèm các dịch vụ hữu ích như Exchange, Sharepoint trên nền đám mây. Tích hợp và mở rộng các dịch vụ này trên AWS sẽ không thể dễ dàng như trên Azure. Bài toán cuối cùng Microsoft cần giải là đảm bảo đưa ra các mức giá và chất lượng dịch vụ tương đương AWS – khi đó, không ai còn lý do gì để mua đám mây tính toán của Amazon nữa cả.