Về cơ bản, sự trì hoãn làm giảm hiệu suất lao động, lãng phí thời gian. Tuy nhiên, trái với những định kiến tự nhiên của xã hội dành cho trì hoãn, nó có thể thúc đẩy sự sáng tạo.
Chúng ta thường nghĩ về sự trì hoãn như một lời nguyền. Theo một khảo sát ở Mỹ, hơn 80% sinh viên đang bị tính trì hoãn “hành hạ”, chơi dài để rồi thức trắng nhiều đêm để kịp deadline. Còn với người đã đi làm, khoảng 20% trong số này cũng thường xuyên trì hoãn.
Ta đều biết rằng, con số thực còn cao hơn rất nhiều.
Trong nhiều năm liền, tôi tin rằng bất kỳ nhiệm vụ hay công việc gì cần lầm, đều phải được hoàn thành một cách nhanh chóng: nộp luận văn sớm cả năm trời, viết thu hoạch và báo cáo trước nhiều tuần, gần như mọi thứ được tôi hoàn thành sớm tới… 4 tháng. Những bạn nói đùa rằng, tôi làm việc với hiệu suất cao đến nỗi giống như đang mắc một hội chứng rối loạn cưỡng chế vậy. May thay, các nhà thần kinh học đã tìm ra cái tên cho tình trạng đó: Chứng nóng vội (Pre-Crastination).
Sự nóng vội thôi thúc tôi phải giải quyết công việc ngay tức thì, kết thúc nó càng sớm càng tốt. Lúc này, công việc giống như hít thở và trì hoãn tương tự như bị ngạt mũi.
Ví dụ: khi một loạt email rơi vào inbox và bạn không trả lời chúng ngay, bạn cảm thấy cuộc sống của mình như đang mất kiểm soát. Khi bạn phải phát biểu trước cả trăm người vào tháng sau, không chuẩn bị hay tập dượt trước gương mỗi ngày khiến bạn thấy trống rỗng đến đáng sợ.
Khi còn học Đại học, một ngày mà tôi cho là hiệu quả được bắt đầu bằng việc viết luận từ 7h sáng, không rời khỏi ghế cho đến giờ ăn tối. Lúc đó, tôi như bị cuốn vào một dòng chảy, trạng thái tinh thần đó được nhà tâm thần học Mihaly Csikzentmihalyi miêu tả rằng: bạn hoàn toàn bị cuốn vào công việc đến nỗi mất đi ý thức về thời gian và không gian. Tôi chìm sâu vào đó đến nỗi mấy người bạn từng “quẩy” tưng bừng khi tôi đang viết bài mà tôi chẳng hề hay biết. Thật buồn cười.
Nhưng những người thích trì hoãn, như tác giả Tim Urban miêu tả, lại bị điều khiển bởi “con khỉ hài lòng tức thì”(Instant Gratification Monkey) trong não họ, liên tục hỏi những câu như “Tại sao ta cứ phải dùng máy tính để làm việc trong khi có thể dùng nó để lướt net?”
Nếu bạn là người hay trì hoãn, đánh bại “con khỉ” đó đòi hỏi phải có sức mạnh ý chí rất lớn. Tuy nhiên, người mắc chứng nóng vội thì ngược lại, họ cần sức mạnh ý chí tương tự để… không làm việc.
Cho đến vài năm trước, một trong số những học trò sáng tạo nhất của tôi, Jihaae Shin (giờ là giáo sư tại Đại học Wisconsin), hỏi han về thói quen khẩn trương của tôi. Jihaae nói rằng, những ý tưởng sáng tạo nhất đến với cô sau khi trì hoãn một công việc nào đó.
Tôi yêu cầu Jihaae chứng minh, cô tiếp cận được với vài công ty, khảo sát các nhân viên về việc họ thường trì hoãn công việc đến mức nào, và nhờ những người giám sát trong công ty đánh giá khả năng sáng tạo của họ. Những người có tính trì hoãn được đánh giá là có điểm sáng tạo cao hơn hẳn so với những người nóng vội như tôi.
Đương nhiên, với một kẻ luôn chắc ăn như tôi thì chưa bị thuyết phục ngay. Vậy nên, Jihaae đã yêu cầu một số người nghĩ ra các ý tưởng kinh doanh mới. Một vài người được chọn một cách ngẫu nhiên để đưa ra ý tưởng ngay lập tức. Số khác được cho khoảng thời gian 5 phút để chơi trò Minesweeper (dò mìn) hoặc chơi bài trên máy tính. Mọi người sau đó nộp các ý tưởng của mình, những người ngoài cuộc được yêu cầu đánh giá mức độ sáng tạo của các ý tưởng. Ý tưởng của những người trì hoãn có tính sáng tạo cao hơn 28%.
Thế là như nào?
Trò dò mìn rất thú vị, nhưng nó không phải nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Khi những người tham gia được chơi điện tử trước khi lên kế hoạch/đưa ra ý tưởng, tính sáng tạo của họ không hề tăng lên.
Chỉ khi đã nhận được yêu cầu và rồi trì hoãn việc thực hiện nó, họ mới nghĩ ra được những ý tưởng sáng tạo. Hóa ra sự trì hoãn lại giúp thúc đẩy quá trình suy nghĩ đa dạng.
Ý tưởng đầu tiên của ta, suy cho cùng, thường là ý tưởng có tính rập khuôn nhất. Luận văn tốt nghiệp của tôi thời đại học rốt cục là sự chắp vá một mớ những ý tưởng có từ trước thay vì đưa ra các ý tưởng mới.
Khi trì hoãn, bạn thường thả lỏng tâm trí. Điều này tạo điều kiện giúp ta dễ tìm ra những điều khác thường và khám phá những đường lối mới lạ. Cách đây 100 năm, nhà tâm lý học Bluma Zeigarnik thấy rằng người ta ghi nhớ những công việc còn dang dở tốt hơn là những việc đã hoàn thành. Khi hoàn thành một công việc, ta quên nó đi. Nhưng nếu còn trong trạng thái dang dở, nó sẽ vẫn hiện hữu trong tâm trí ta.
Một cách miễn cưỡng, tôi thừa nhận rằng tính trì hoãn có thể có ích cho các hoạt động sáng tạo hàng ngày. Nhưng các thành tựu to lớn, những con người vĩ đại thì phải khác chứ?
Rất tiếc, tôi đã sai.
Steve Jobs thường xuyên trì hoãn
Steve Jobs thường xuyên trì hoãn, nhiều đồng nghiệp của ông ấy đã kể lại như vậy. Bill Clinton từng được miêu tả là “người thường xuyên trì hoãn”, luôn chờ đến những phút cuối mới tập các bài phát biểu.
Frank Lloyd Wright (kiến trúc sư đóng góp rất lớn vào bộ mặt đô thị Mỹ) trì hoãn công việc suốt gần một năm, đến mức khách hàng của ông ấy phải chạy đến và một mực yêu cầu ông cho ra một bản vẽ ngay tại chỗ. Bản vẽ đó trở thành Falling Water (Thác nước), tuyệt tác của ông.
Công trình Falling Water do KTS huyền thoại Frank Lloyd Wright thiết kế
Aaron Sorkin, người viết kịch bản của Steve Jobs và The West Wing, được kể rằng đã trì hoãn việc viết những kịch bản này đến phút chót. Khi được hỏi về sự trì hoãn, ông trả lời, “Người ta gọi nó là trì hoãn, tôi gọi nó là suy ngẫm.”
Tất nhiên, trì hoãn quá mức sẽ gây hại. Jihaae chọn ngẫu nhiên một nhóm tình nguyện viên nữa, yêu cầu họ đợi đến những phút cuối cùng mới bắt đầu công việc. Những người này cũng chẳng sáng tạo như nhóm trước đó. Họ phải gấp rút chuẩn bị một ý tưởng dễ nhất thay vì tìm ra ý tưởng mới mẻ hơn.
Để hạn chế kiểu trì hoãn tiêu cực, các nhà khoa học đã đưa ra một số chỉ dẫn:
Đầu tiên, hãy tưởng tượng bản thân đang thất bại một cách thảm hại, rồi một loạt cảm giác lo sợ có thể giúp guồng tư duy của bạn hoạt động. Tiếp theo, hãy hạ tiêu chuẩn của bạn về những thứ được cho là hoàn mỹ, bạn sẽ ít bị áp lực và choáng ngợp bởi chủ nghĩa hoàn hảo.
Chia nhỏ công việc thành những khoảng thời gian ngắn cũng có thể giúp ích cho bạn: Nhà tâm lý học Robert Boice giúp các sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp vượt qua trở ngại viết lách bằng cách cho họ viết trong 15 phút mỗi ngày.
Nhưng nếu bạn là một người ưa trì hoãn, lần sau, khi bạn cảm thấy đang ngập chìm trong mặc cảm tội lỗi và tự ghét bỏ bản thân vì không thể bắt đầu một công việc, hãy nhớ rằng trì hoãn đúng cách có thể giúp bạn trở nên sáng tạo hơn. Nếu bạn là một người nóng vội như tôi, có lẽ việc thành thạo phương pháp buộc bản thân trì hoãn là điều rất đáng thử một lần.