“Chứng kiến một người bạn bận “bù đầu bù cổ” khi ngày cưới đến gần, phải chuẩn bị từ ý tưởng đến việc trang trí đám cưới, chọn mẫu váy cưới, địa điểm đặt tiệc, quản lý ngân sách cưới…, và phải tìm kiếm thông tin về từng hạng mục trên Google, tôi nghĩ đến một cổng thông tin có tất cả những thứ trên sẽ giúp bạn và rất nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng này tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và việc tổ chức cưới sẽ trở nên thuận tiện hơn. Đó cũng là lúc ý tưởng cho startup VOW nhen nhóm trong đầu”, Tuấn Anh chia sẻ về “cơ duyên” với vow.vn.
Từng bước hiện thực hóa dự án, đến đầu hè 2015, Tuấn Anh tìm được nhà đồng sáng lập đầu tiên và cùng nhau phát triển ý tưởng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, định hình mô hình kinh doanh. Sau đó, nhà đồng sáng lập thứ hai về lĩnh vực lập trình cũng được “chiêu mộ” thành công.
Nói về cách VOW mang đến sự tiện lợi cho người dùng, Tuấn Anh cho biết, sau khi đăng ký thành viên trên vow.vn, người dùng là những người sắp tổ chức đám cưới sẽ được trải nghiệm một “kho tàng cưới” với gần như tất cả những hạng mục cần thiết. Hiện tại, VOW sở hữu mạng lưới hơn 5.000 nhà cung cấp dịch vụ cưới trải rộng khắp Việt Nam với các loại hình: quay phim, chụp ảnh, trang điểm, cho thuê trang phục, phụ kiện, thiết kế thiệp, cho thuê xe, địa điểm cưới…
Chất lượng của các nhà cung cấp này sẽ được đảm bảo và đánh giá dựa trên trải nghiệm của người dùng. Hứa hẹn “thổi một làn gió mới vào đám cưới của các cặp đôi tại Việt Nam”, VOW cung cấp nhiều công cụ với tính năng đa dạng như quản lý ngân sách cưới, khách mời, danh sách công việc ngày cưới, không gian tiệc và tạo video cưới trực tiếp. Đồng thời, website còn tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận kho tư liệu cưới khổng lồ với nhiều bộ sưu tập hình ảnh giúp họ dễ dàng tìm ra ý tưởng cho ngày trọng đại của mình.
Thị trường dịch vụ cưới tại Việt Nam được ước tính 5 tỷ USD với hơn 500.000 đám cưới được tổ chức mỗi năm (theo Trưởng đại diện Hiệp hội Các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới tại Việt Nam). Các nhà đồng sáng lập vow.vn cho biết họ mong muốn được chia sẻ “chiếc bánh” béo bở này, đặc biệt khi có cơ hội được đồng hành với một quỹ đầu tưcó cùng tầm nhìn.
Thừa nhận có nhiều bất tiện khi làm việc “xuyên biên giới” với các nhà đồng sáng lập vì chỉ giao tiếp trực tuyến là chủ yếu, nhưng Tuấn Anh công nhận có một yếu tố thuận lợi là khi các thành viên ở Việt Nam kết thúc công việc trong ngày (khoảng 12 giờ đêm) thì ở Anh chỉ mới khoảng 6 giờ tối, Tuấn Anh có thể làm tiếp phần việc dang dở của các cộng sự đến 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng. Lúc đó, đội ngũ ở Việt Nam đã thức dậy và bắt đầu ngày mới. Nhờ vậy mà công việc luôn được nối tiếp liên tục.
Tuy nhiên, con đường biến ý tưởng thành hiện thực đối với các nhà đồng sáng lập VOW không phải là con đường trải hoa hồng. Tháng 4/2016, khi dự án đang trong giai đoạn tích hợp thì một thành viên đồng sáng lập ban đầu – người phụ trách lĩnh vực lập trình quyết định bỏ ngang dự án và cắt đứt mọi liên lạc.
Việc này khiến những người ở lại phải “đau đầu” tìm cách kết nối vào cơ sở dữ liệu mà thành viên đó đang làm để lấy lại dữ liệu dự án, rồi tìm thành viên mới thay thế. Và dự án bị hoãn đến hơn 9 tháng. “Phải giao tiếp và phối hợp với nhau liên tục, đặc biệt là phải theo sát những thành viên chủ chốt nắm mảng kỹ thuật lập trình” chính là bài học đắt giá Tuấn Anh học được từ “cú sốc” này.