Đưa Uber từ một ứng dụng gọi xe trở thành start-up giá trị nhất thế giới, nhưng cuối cùng điều mà Travis Kalanick nhận được là bị các nhà đầu tư yêu cầu từ chức CEO trong bối cảnh mẹ anh bị tai nạn vừa qua đời còn cha anh thì bị thương nghiêm trọng.
Những lần khởi nghiệp thất bại
Kravis Kalanick sinh năm 1976 và lớn lên tại Northridge, California, một vùng ngoại ô Los Angeles (Mỹ). Khi còn nhỏ, Kalanick từng mô ước trở thành một điệp viên. Tuy nhiên, cuối cùng anh lại theo đuổi sự nghiệp kinh doanh giống mẹ của mình – một chuyên gia quảng cáo bán lẻ. Kalanick thực hiện dự án kinh doanh đầu tiên năm 18 tuổi với một khóa luyện thi SAT có tên New Way Academy.
Kalanick theo học kỹ sư vi tính tại Đại học California, Los Angles nhưng rồi sớm bỏ học vào năm 1998 để cùng Michael Todd và Vince Busam sáng lập dịch vụ tìm kiếm và chia sẻ file ngang hàng – Scour.
Do Scour giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và có được nội dung mà không phải trả tiền, một số công ty trong ngành giải trí đã cùng nhau kiện dịch vụ và đòi bồi thường 250 tỷ USD. Khi số đơn kiện ngày một nhiều lên, nguy cơ thất bại của Scour càng cận kề. Những ngày cuối cùng thực sự khiến Kalanick căng thẳng. Nhưng bản lĩnh bán hàng trong anh không chịu khuất phục. Vì vậy, Kalanick vẫn ôm điện thoại hàng giờ để nói chuyện với đối tác, cứu vãn việc kinh doanh.
Kalanick cùng với 2 người bạn của mình là Michael Todd và Vince Busam phát triển Scour
Năm 2000, khi không thể cứu vãn được nữa, nhóm sáng lập quyết định nộp đơn phá sản. Sau đó, Todd và Kalanick lại thành lập một công ty chia sẻ file mới – Red Swoosh với đội kỹ sư cũ của Scour. Kalanick gọi đây là “sự kinh doanh trả thù”. Anh muốn tất cả các hãng giải trí từng kiện Scour biến thành khách hàng, và phải trả tiền cho mình. Thay vì tìm kiếm những nội dung họ không có bản quyền, Red Swoosh tập trung vào việc cung cấp nội dung cho người dùng theo cách rẻ hơn, khi cho phép họ chia sẻ băng thông.
Dịch vụ lần này của họ hợp pháp, nhưng một số hoạt động thì không. Sở thuế Mỹ (IRS) phát hiện ra Red Swoosh gian lận trong nộp thuế thu nhập cho nhân viên. Kalanick nói Todd đã làm việc này mà không hề cho mình biết. Các nhà sáng lập sau đó đã phải trả 110.000 USD cho IRS để tránh ngồi tù.
Sự việc này đã khiến Kalanick và Todd xảy ra mâu thuẫn. Kalanick sau đó tiếp quản công ty cho đến khi gã khổng lồ máy chủ – Akamai mua lại năm 2007 với giá 19 triệu USD.
“Travis là một người thông minh, chăm chỉ và là nhà khởi nghiệp thực sự. Tôi chẳng còn biết khen gì hơn nữa”.
Nhà đầu tư Mark Cuban
Từ “trưởng phòng ấp trứng” của UberCab đến CEO Uber
Cuối năm 2008, tại hội nghị công nghệ LeWeb, Kalanick lần đầu nghe được ý tưởng về Uber. Anh hình dung ra nó là một dịch vụ sẽ giúp giảm chi phí đi xe chỉ với một nút bấm.
Garret Camp, Oscar Salazar và Conrad Whelan là 3 người xây dựng phiên bản Uber đầu tiên có tên UberCab. Kalanick khi đó đóng vai trò “siêu cố vấn”, mặc dù anh từng nói đó là vị trí “trưởng phòng ấp trứng”. Với UberCab, người dùng có thể gọi xe ở San Francisco chỉ qua một tin nhắn hoặc nút bấm, nhưng chi phí đắt hơn 1,5 lần so với taxi thường.
Đầu năm 2010, Ryan Graves gia nhập vào UberCab và trở thành Tổng giám đốc. Không lâu sau, Graves được bổ nhiệm làm CEO. Tháng 6 năm đó, UberCab đi vào hoạt động tại San Francisco. Công ty tạo được tiếng vang lớn mặc dù chưa có nhiều nhà đầu tư chủ động tìm đến UberCab.
Mùa hè năm 2010, UberCab huy động được 1,25 triệu USD từ Chris Sacca – một người bạn của Kalanick và nhà đồng sáng lập Napster – Shawn Fanning. Tháng 12 cùng năm, Kalanick trở thành CEO của công ty.
Chính cá tính cứng rắn, kiêu ngạo và liều lĩnh của Kalanick đã giúp Uber len lỏi hết thành phố này đến thành phố khác, bất chấp sự phản đối của các hãng xe taxi và nhiều cản trở khác. Trong những năm đầu mới thành lập, Uber đã phải giải quyết nhiều vụ kiện tụng, đình công, tranh cãi với các tài xế của chính công ty – những người làm hợp đồng và không phải nhân viên chính thức.
Uber cũng phải đối mặt với sự phản đối của các hãng taxi truyền thống, giới chức tại nhiều quốc gia và sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ mới xuất hiện trên thị trường. Không quá khi người ta nói rằng “kẻ thù” và những người ghét Kravis Kalanick có ở khắp mọi nơi.
Đến nay, Uber đã có mặt trên hơn 600 thành phố và trở thành start-up được định giá lớn nhất thế giới với hơn 69 tỷ USD.
“Tôi yêu Uber hơn bất kỳ điều gì trên trái đất, đây là khoảnh khắc khó khăn trong cuộc đời tôi. Tôi chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư là từ chức để Uber có thể quay lại xây dựng thay vì bị phân tâm bởi cuộc chiến khác”.
Travis Kalanick, đồng sáng lập và cựu CEO Uber
Cú ngã điếng người
Khi Uber ở thời kỳ hoàng kim, trên nhiều phương tiện truyền thông người ta tung hô, ca ngợi Kravis Kalanick là nhà khởi nghiệp vĩ đại, là người đã thay đổi ngành vận tải toàn cầu. Có lẽ những người hâm mộ anh và cả chính Kalanick cũng không thể ngờ rằng có ngày anh bị buộc rời khỏi vị trí CEO của Uber.
Nửa đầu năm 2017 là khoảng thời gian đầy khó khăn với vị thuyền trưởng Kalanick khi Uber liên tiếp dính vào hàng loạt vụ bê bối ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Từ việc cựu kỹ sư Susan Fowler tố bị quấy rối tình dục, mảng xe tự lái của Google kiện vì sử dụng công nghệ đánh cắp, xe tự lái Uber vượt đèn đỏ… cho đến việc video clip Kalanick đang tranh cãi về lương với tài xế bị phát tán. Cùng với đó, hàng loạt nhân sự cao cấp của Uber cũng lần lượt ra đi khiến không ít người đặt câu hỏi “Phải chăng ngày tàn của Uber sắp đến?”.
Các nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại về văn hóa quản lý của Uber và lên tiếng chỉ trích phong cách lãnh đạo của Kalanick. Những người ủng hộ dần quay lưng với anh. Bản thân Travis Kalanick cũng thừa nhận, “Tôi cần phải thay đổi trong cách lãnh đạo và trưởng thành hơn”.
Nhưng vận đen của vị doanh nhân 40 tuổi vẫn chưa dừng lại ở đó. Cuối tháng 5, cha mẹ của Kalanick là nạn nhân của vụ tai nạn đường thủy, mẹ của anh qua đời trong khi cha bị thương nghiêm trọng.
Đến ngày 20/6, khi Kalanick đang lưu trú tại một khách sạn Chicago trong chuyến đi phỏng vấn các ứng viên tiềm năng cho Uber, hai nhà đầu tư mạo hiểm Matt Cohler và Peter Fenton đã đến tìm anh. Họ mang theo thư của 5 nhà đầu tư lớn, trong đó có lá đơn từ chức dành cho Kalanick. Sau những tranh luận và suy nghĩ, vị CEO đầy tham vọng quyết định từ bỏ chiếc ghế quyền lực mà anh nắm giữ.
Trong tuyên bố từ chức, Kalanick nói, “Tôi yêu Uber hơn bất kỳ điều gì trên trái đất, đây là khoảnh khắc khó khăn trong cuộc đời tôi. Tôi chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư là từ chức để Uber có thể quay lại xây dựng thay vì bị phân tâm bởi cuộc chiến khác”.
Tất nhiên, rời khỏi vị trí CEO không phải là dấu chấm hết cho mối duyên giữa anh và Uber, bởi Kalanick đang nắm trong tay một lượng lớn cổ phần và vẫn nằm trong hội đồng quản trị của công ty. Người lạc quan sẽ mong chờ một kết thúc có hậu như Steve Jobs với Apple, một ngày nào đó Kalanick sẽ quay lại dẫn dắt Uber – khi anh đã thật sự “trưởng thành”.