AI hiện đang được các chuyên gia dự đoán là công nghệ tâm điểm của tương lai
Ở thời điểm hiện tại, có vô số thứ đang sử dụng tới AI mà chúng ta không để ý kể từ công cụ tìm kiếm Google đang sử dụng hay trong các dịch vụ khám bệnh, chẩn đoán y tế cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Các nhà phát triển và các kỹ sư vẫn đang tập trung rất nhiều sức lực để khai thác khả năng của nguồn nhân lực “ảo” nhưng tiềm năng vô hạn này. Nhờ những thuật toán được cải tiến hàng ngày, hàng giờ, tương lai của một ngành công nghiệp mới dần hình thành, điều đang được chờ đợi để tạo nên một nền tảng cho các công nghệ trong tương lai.
Theo những thống kê, thị trường cho ngành phát triển trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ đạt hơn 36 tỷ USD vào cột mốc 2025. Cùng với mục tiêu đó, AI sẽ ngày càng “gần gũi” hơn với cuộc sống của con người giống như một chức năng cao cấp của mọi thứ xung quanh chúng ta như điện thoại, ô tô, máy tính, nhà ở, giao thông….
Cũng chính vì vậy, AI cũng trở thành sự lựa chọn cho các khoản đầu tư khổng lồ của nhiều tập đoàn công nghệ tầm trung, dù đó không phải là nguồn đầu tư trực tiếp. Họ sẵn sàng tập trung, nghiên cứu để làm ra các sản phẩm hỗ trợ việc vận hành của các AI trong tương lai hoặc tìm kiếm con đường sự nghiệp mới mà có thể hỗ trợ AI.
Bộ xử lý
Những thuật toán của các AI luôn đòi hỏi sự hoạt động của nhiều bộ phận cùng lúc trên 1 thiết bị, điều này tạo nên một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn cho các nhà sản xuất thiết bị xử lí điều khiển. Như Watson của IBM là một ví dụ.
Nổi tiếng sau khi chiến thắng chương trình Jeopardy, một chương trình đố vui kiến thức truyền hình nổi tiếng của Mỹ với nhiều câu hỏi ở tất cả các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, khoa học công nghệ…Watson, phần mềm AI của IBM lúc đó đã chiến thắng 2 người chơi kì cựu của Jeopardy để khẳng định “sức mạnh” của mình.
Watson lúc đó chỉ mới…6 tuổi, được cấu thành từ một chuỗi gồm 90 máy chủ IBM Power 750 (cộng thêm các hệ thống kiểm soát, hệ thống mạng, và hệ thống I/O nằm trong 10 giàn máy) với tổng cộng khoảng 2.880 nhân xử lý POWER7 và 16 TB bộ nhớ.
Bên trong mỗi máy chủ Power 750 sử dụng những bộ xử lý 8 nhân POWER7, tốc độ 3,5 GHz, mỗi nhân xử lý có bốn thread. Khả năng xử lý song song rất lớn của bộ xử lý POWER7 là nhân tố thích hợp lý tưởng cho chương trình phần mềm Watsons IBM DeepQA….Đó mới chính là nhân tố chiến thắng của Watson trong chương trình năm 2011.
Nhận thấy cơ hội vàng để bắt tay vào công việc đầu tư, Nvida cũng đã nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm chip xử lí đặc biệt, dành riêng để hỗ trợ các thuật toán như vậy. Và mới đây, họ đã công bố chip Tesla V100, sản phẩm được mong chờ sẽ đem lại hiệu năng tốt hơn đồng thời tiêu tốn ít năng lượng hơn.
Một nhóm nhân viên cũ của Google cũng có ý định tương tự và cùng nha thành lập nên Groq, một công ty cũng đã tham gia cuộc đua tạo ra những con chip tối ưu hơn cho khả năng tự tìm hiểu và xử lý của AI.
Lưu trữ dữ liệu
Điều tiếp theo để đánh giá sự hoạt động của một AI chính là độ lớn dung lượng lưu trữ dữ liệu, tương tự như lượng kiến thức học được của một con người. Những thuật toán được lập trình trên AI đòi hỏi một khoảng cực lớn về bộ nhớ để hình thành một hệ thống dữ liệu giúp cho các AI có thể hiểu và “học” được.
Tiếp tục nhìn lại Watson của IBM, 16TB bộ nhớ là một con số “không nhỏ” chỉ để chiến thắng một trò chơi truyền hình trực tuyến. Trong khi, Google DeepMind để cho AI AlphaGo tự học và chơi cờ vây rồi thiết lập kỉ lục với việc đánh bại nhà vô địch thế giới môn cờ vây chơi Ke Jie hồi tháng 5. Dù Google DeepMind không công bố thông số kĩ thuật cụ thể của AlphaGo nhưng chúng ta có thể biết rằng cờ vây là một trong những loại cờ phức tạp nhất thế giới. Với thiết kế 19×19 ô, máy tính sẽ phải thiết lập tới hàng tỷ tỷ nước cờ.
AlphaGo đưa Ke Jie thành “cựu” vô địch môn cờ vây. Với những mục tiêu phát triển xe tự lái, các AI sẽ phải thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh theo từng giờ, từng ngày để có thể đảm bảo được sự an toàn của phương tiện khi lưu thông. Đổi lại, một AI sẽ tiêu tốn hết 4TB dữ liệu cho mỗi ngày như vây.
Dù đã có những phương án cải thiện dần việc lưu trữ dữ liệu đang quá tiêu tốn như hiện tại, các nhà khoa học từ đại học Southamton đã tìm ra một cách lưu trữ hiệu quả hơn nữa với việc sử dụng kính 5 chiều, lưu trữ thông tin vào…thủy tinh để chúng có thể tồn tại mãi mãi. Một công nghệ mang khuynh hướng “phi thực tế” nhưng sẽ sớm giúp các AI tiên tiến đảm bảo được công việc của mình trong tương lai.
Bảo mật & nhân tính
Thế giới chúng ta đang gần hơn với thời đại siêu máy tính, thời điểm mà các AI sẽ vượt mặt con người trong những suy nghĩ và cả hành động. Dẫn đến điều mà các chuyên gia lo ngại nhất, đó là các mối quan tâm về vấn đề đạo đức con người, thứ duy nhất để so sánh giữa loài người và trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Việc xác định các tiêu chuẩn, ý thức chung để tránh các hậu quả kinh tế, xã hội cho những trí tuệ “siêu việt” đó đã được nhiều người nổi tiếng lấy làm lo lắng như nhà triết học Nick Bostrom hay các chuyên gia công nghệ “lão làng” như Bill Gates, Elon Musk, Stephen Hawking…
Cuộc đua trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi hướng đến cả những vấn đề bảo đảm chính trị, đạo đức và cả các công tác bảo mật. Các công tác kiểm soát AI được đặt lên hàng đầu đối với các nhà nhân viên an ninh mạng, đảm bảo rằng mọi AI trên thế giới đều sẽ nằm trong những kiểm soát nhất định để giữ thế giới tồn tại một cách công bằng.
AI đang là công nghệ thu hút được nhiều sự chú ý của giới công nghệ, nơi sẽ trở thành tâm điểm của tương lai trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất cần để ý đến những nền tảng bên dưới, những thứ mà mọi AI cần có để hoạt động. Chỉ có sự phát triển kịp thời và mạnh mẽ của những nền tảng phụ trợ, AI mới có thể phát triển được như hiện nay.