Trong giới dịch vụ du lịch trực tuyến, Dara Khosrowshahi nổi tiếng là người chuyên thực hiện những thương vụ tỷ đô làm thay đổi cả bản đồ cạnh tranh
Một ngày tháng 10/1999, nhà sáng lập dịch vụ đặt phòng khách sạn Travelscape là Tim Poster rít một hơi thuốc dài, giữa một cuộc nói chuyện điện thoại cực kỳ căng thẳng. Bất ngờ, Poster gằn giọng: “Nếu điều đó là thật, thì đó không phải là điều mà chúng ta đã thỏa thuận với nhau” và dập máy.
Chỉ mới vài tháng trước đó, các nhà sáng lập Travelscape đã đạt được thỏa thuận bán lại công ty cho một tập đoàn lớn trên Phố Wall là InterActive Corp (IAC) với cái giá 120 triệu USD. Tuy nhiên, Poster lại vừa nhận được cuộc gọi từ IAC cho biết rằng con số này đã giảm chỉ còn 90 triệu USD, ngay vào đêm trước khi ký hợp đồng.
Người ở phía bên kia đầu dây chính là Dara Khosrowshahi, khi đó là giám đốc tài chính (CFO) kiêm nhân vật kiến tạo các thương vụ M&A cho IAC. Khi đó, Khosrowshahi nổi tiếng là nhân vật không hề biết nhân nhượng và chỉ nói chuyện bằng ngôn ngữ của đồng tiền.
18 năm sau, sau khi trở thành CEO của dịch vụ du lịch trực tuyến Expedia, Khosrowshahi (48 tuổi) đã có nhiều thay đổi tích cực. Ông được xem là một nhà lãnh đạo dễ gần, chuyên khuyến khích văn hóa hợp tác và minh bạch. Các nhân viên của Expedia biết rằng họ có thể tới gặp Khosrowshahi để được nghe ông giải thích về các quyết định của mình. Và những lúc mà Khosrowshahi đưa ra tuyên bố cắt giảm nhân sự, ông cũng không che giấu cảm xúc của mình trước mọi người.
Tuy nhiên, tố chất chiến binh trong vị doanh nhân gốc Iran này vẫn không hề suy giảm. Dưới trướng Khosrowshahi, Expedia đã trở thành một trong những tập đoàn du lịch trực tuyến (OTA) thành công nhất thế giới, đạt doanh thu 8,77 tỷ USD và lợi nhuận 282 triệu USD trong năm 2016. Trước đó trong năm 2015, Expedia đã hoàn thành một loạt thương vụ M&A với tổng giá trị hơn 6 tỷ USD.
Và mới đây, sau một cuộc đấu đá dài hơi trong nội bộ dịch vụ gọi xe Uber, hội đồng quản trị của công ty này đã quyết định chọn Khosrowshahi làm CEO mới, kế nhiệm nhà đồng sáng lập Travis Kalanick.
Tân CEO Uber Dara Khosrowshahi (giữa) và cựu CEO Uber Travis Kalanick (trái). Ảnh: Arianna Huffington/Twitter Đây là một lựa chọn gây bất ngờ cho nhiều người, vì trước đó cái tên Khosrowshahi hầu như không hề xuất hiện, và mọi sự chú ý đều dồn vào 2 cái tên khác là CEO Meg Whitman của Hewlett-Packard và Chủ tịch Jeff Immelt của General Motors.
Điều gì đã khiến Khosrowshahi qua mặt 2 nhân vật trên, vốn đều là những “cây đa cây đề” trong làng kinh doanh Mỹ, để trở thành CEO của startup có trị giá lớn nhất thế giới (gần 70 tỷ USD)?
Từ kỹ sư điện trở thành “dealmaker”
Khosrowshahi bước vào sự nghiệp kinh doanh một cách tình cờ. Ông có bằng cử nhân kỹ sư điện tại Đại học Brown (bang Rhode Island), nhưng quyết định bỏ ngang sự nghiệp kỹ thuật khi đem lòng yêu một cô gái đến từ New York. Được sự giúp đỡ của anh trai, Khosrowshahi tìm được một công việc tại ngân hàng đầu tư Allen & Co. và dọn tới New York.
Chỉ 3 tháng sau đó, chuyện tình của Khosrowshahi sớm tan vỡ. Tuy nhiên, công việc tại Allen & Co. đã giúp Khosrowshahi tìm được một vị khách hàng làm thay đổi cuộc đời ông: ông trùm truyền thông Barry Diller, nhà sáng lập các Tập đoàn Fox Broadcasting và USA Broadcasting.
Khi 2 bên gặp nhau lần đầu, Diller vừa bắt đầu việc tìm cách thâu tóm Hãng phim Paramount Pictures, với kết quả sau đó là thất bại. Tuy nhiên, nó đã tạo ấn tượng sâu đậm cho Khosrowshahi: “Điều làm tôi thấy đáng nhớ nhất là cách mà Barry chấp nhận thất bại. Ông ấy không thể bị đánh gục”. Diller đã tuyên bố một cách đơn giản: “Họ thắng, chúng ta thua. Sang ván tiếp theo”, và điều này đã tạo ấn tượng mạnh với anh chàng trẻ tuổi Khosrowshahi.
Một thời gian ngắn sau đó, Khosrowshahi chấp nhận chuyển sang làm việc cho Công ty IAC của Diller, trong vai trò chuyên gia đàm phán và thâu tóm (dealmaker).
Barry Diller, Chủ tịch của IAC. Nguồn: BI Quay trở lại với thương vụ Travelscape đã được nhắc tới ở trên. Việc Khosrowshahi bất ngờ hạ giá mua lại Travelscape từ 120 triệu USD xuống còn 90 triệu không phải là điều ngẫu nhiên. Chính Diller là người đã đưa ra ý tưởng này, với sự tự tin rằng các nhà sáng lập của Travelscape còn quá trẻ và chưa từng nhìn thấy những khoản tiền lớn như vậy, thế nên họ sẽ chấp nhận bất cứ giá nào.
Tuy nhiên, phía IAC đã quên tính đến một nhân tố bất ngờ. 3 tuần sau khi Travelscape từ chối ký hợp đồng với IAC, Expedia (lúc này chưa thuộc về IAC) tiến hành IPO, thu về một khoản tiền lớn và ngay lập tức bày tỏ ý định mua lại Travelscape. Sau đó, thương vụ Travelscape-Expedia được hoàn tất với cái giá 105 triệu USD.
Đây cũng là lúc Diller và Khosrowshahi bắt đầu để ý tới Expedia. Trong một buổi ăn tối với các nhà sáng lập của Hotels.com (dịch vụ du lịch đầu tiên mà IAC thâu tóm), Khosrowshahi được nghe kể rằng Expedia là đối thủ lớn nhất của Hotels.com. Khosrowshahi nghĩ: “Nếu họ (Hotels.com) ghét Expedia tới vậy, thì công ty Expedia này chắc chắn phải rất giỏi”.
Tới năm 2000, Diller và Khosrowshahi lại được một lần nữa nhắc tới cái tên Expedia khi muốn mua lại công ty National Leisure Group (NLG). Khi được ban lãnh đạo NLG cho biết rằng họ đang được tiếp cận bởi cả IAC và Expedia, Diller đã nói: “”Hãy giới thiệu cho tôi với bên Expedia, vì tôi cũng muốn mua lại cả họ luôn”.
Nói là làm, phía IAC bắt đầu tìm cách hành động. Được thành lập bởi một nhà quản lý trẻ của Microsoft là Rich Barton như một dự án nội bộ, phần lớn vốn ban đầu của Expedia là đến từ Microsoft. Khi Expedia IPO vào năm 1999, Microsoft vẫn còn giữ lượng cổ phần kiểm soát trong công ty này. Thế là Diller và Khosrowshahi tìm cách mua lại số cổ phần của Microsoft.
Theo Khosrowshahi kể, phía Expedia không vui về tin này: “Chúng tôi không được chào đón cho lắm vì họ không thực sự biết chúng tôi là ai. Việc gặp gỡ ban đầu hơi khó khăn và không thoải mái”.
Về phía Barton, ông kể rằng mình có ấn tượng mạnh với Khosrowshahi ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ: “Tôi đã nghĩ ngay rằng ‘Đây là một người khôn ngoan mà mình có thể làm ăn chung được’”.
Khosrowshahi thì lại có ấn tượng hơi khác một chút. Ông kể: “Khi đó, tôi còn là một người chuyên đi làm thương vụ, và trong thế giới tài chính thì bạn chuyên nghĩ tới các công ty chỉ thuần túy là số liệu và dòng tiền… Barton và đội ngũ của anh ấy cứ nói về chuyện họ sẽ làm thay đổi thế giới như thế nào, còn tôi thì nghĩ ‘Ai mà quan tâm tới chuyện đó? Chỉ cần nói tôi nghe mấy con số thôi’”.
Đến tháng 7/2011, phía IAC tuyên bố ý định thâu tóm trọn NLG cũng như mua lại lượng cổ phần kiểm soát trong Expedia. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó thì sự kiện khủng bố 11/9 xảy ra, khiến cho ngành du lịch và hàng không quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thương vụ thâu tóm Expedia đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Barton lập tức gọi cho Diller và Khosrowshahi, với lời nhắn nhủ: “Tôi cần các anh cho biết ngay là các anh có ý định chốt thương vụ hay không. Tôi sẽ rất tôn trọng ý định rút lui của các anh nếu có, nhưng thời gian là kẻ thù của tôi lúc này”.
Phía IAC lập tức tổ chức một cuộc họp nhỏ trong nội bộ ban lãnh đạo với nhau. Một người lên tiếng: “Nếu không có du lịch và đi lại, thì chẳng có cuộc sống nữa. Mọi thứ rồi sẽ quay trở lại như trước, và Expedia sẽ là một phần quan trọng trong đó… Chúng ta rồi sẽ ổn thôi”. Thế là Diller quyết định chốt thương vụ, và đến năm 2003 thì việc thâu tóm Expedia chính thức hoàn tất.
Doanh thu hàng quý (cột màu xanh) của Expedia liên tục tăng trưởng mạnh. Nguồn: Market Realist Sau đó, Khosrowshahi tiếp tục đóng vài trò quan trọng trong thương vụ IAC thâu tóm trang đánh giá du lịch TripAdvisor. Chính Khosrowshahi là người đã thuyết phục thành công Diller theo đuổi thương vụ này, sau khi những người trong nhóm Expedia khuyên nên bỏ qua TripAdvisor với lý lẽ rằng dịch vụ này quá phụ thuộc vào kết quả tìm kiếm từ Google.
Khosrowshahi nói với Diller: “Tôi biết rằng TripAdvisor có rủi ro là phụ thuộc vào Google, nhưng tôi cho rằng công ty nào trên trái đất cũng có rủi ro liên quan tới Google. Và tôi tin rằng công ty này có tiềm năng tăng trưởng tốt”. Được Diller bật đèn xanh, Khosrowshahi lập tức theo đuổi việc thâu tóm TripAdvisor, “phỗng tay trên” công ty này từ tay Yahoo, và hoàn tất thương vụ vào năm 2004. Cho đến nay, Khosrowshahi vẫn cho rằng đây là một trong những thương vụ thành công nhất lịch sử ngành du lịch.
Đến năm 2005, Khosrowshahi bước vào một thử thách mới, khi được giao chức CEO tại Expedia sau khi công ty này được tách rời khỏi IAC. Ngay trong cuộc họp quý đầu tiên, ông nhận thấy trở thành CEO không phải là dễ dàng.
Khosrowshahi kể rằng các kỹ sư của Expedia không ngần ngại hỏi những câu “thô lỗ và khó trả lời nhất” như lương của CEO là bao nhiêu, và việc tính khấu hao là như thế nào. “Họ đang thực sự muốn thử thách tôi. Lúc đó tôi đã nghĩ ‘Chào mừng đến với rừng xanh’”, Khosrowshahi nhớ lại.
Tuy nhiên, Khosrowshahi là người không hề xa lạ gì với những thử thách lớn ngay từ lúc còn là một cậu bé vừa đặt chân lần đầu lên đất Mỹ.
Danh gia vọng tộc
Có một điều khá trớ trêu với bản thân Khosrowshahi là tuy ông làm lãnh đạo một dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới và giúp hàng triệu người đi lại, nhưng ông lại chưa bao giờ trở về quê nhà của mình ở Iran.
Sinh năm 1969, Khosrowshahi là con trai út trong một gia đình doanh nhân thành đạt ở thủ đô Tehran của Iran. Gia tộc Khosrowshahi đã sáng lập nên Tập đoàn Tolid Daru – công ty dược phẩm kiêm hàng tiêu dùng hàng đầu của Iran khi đó, và được xem là một trong những dòng họ quyền lực nhất cả nước.
Sử gia Abbas Milani – người nghiên cứu về các gia tộc kinh doanh nổi tiếng của Iran, cho biết nhà Khosrowshahi nổi tiếng về sự trung thực cũng như việc đối đãi tốt với nhân viên. Milani nói: “Từ trước khi Thung lũng Silicon ra đời, họ (nhà Khosrowshahi) đã có văn hóa doanh nghiệp theo kiểu Thung lũng Silicon. Họ chọn lựa người rất kỹ, và một khi đã chọn được thì trả lương và đối đãi rất tốt”.
Dara Khosrowshahi vẫn nhớ như in lúc ông đi cùng cha mình đến thăm nhà máy của gia đình: “Đó là lúc tôi 8 tuổi. Cha tôi là người rất uy quyền, nhưng tất cả mọi nhân viên trong nhà máy đều chào hỏi ông ‘Chào ngài Khosrowshahi, hôm nay ngài thấy thế nào?’, và cha tôi đều biết tất cả mọi người. Đó là điều tôi luôn ghi nhớ: tôn trọng và đối xử với mọi người một cách bình đẳng dù rằng chức vụ của mình có thể nghe to tát hơn”.
Tới năm 1978, cách mạng Hồi giáo Iran xảy ra, dẫn tới việc vua Pahlavi bị phế truất và Giáo chủ Khomeini trở thành nhà lãnh đạo tối cao. Một đêm kia, binh lính của chính quyền mới xông qua vườn nhà Khosrowshahi để tấn công vào nhà của một người anh em họ của Pahlavi ở phía bên kia đường. Cả nhà Khosrowshahi, trong đó có Dara, chui vào dưới bàn để ẩn náu khi nghe tiếng súng vang rền trước cửa.
Sau đó, nhà Khosrowshahi nhanh chóng trốn khỏi Iran. Đầu tiên, họ đi đến miền Nam nước Pháp và chờ đợi tình hình Iran ổn thỏa trở lại để quay về. Kế hoạch này nhanh chóng phá sản, và sau đó họ di cư sang New York. Tất cả tài sản của nhà Khosrowshahi ở Iran bị chính quyền mới tịch thu. Từ chỗ sống trong một biệt thự khổng lồ ở giữa thủ đô Tehran, gia đình Khosrowshahi dọn vào một căn hộ 3 phòng ngủ ở New York.
Dara Khosrowshahi lúc còn nhỏ. Nguồn: Puget Sound Business Journal Kể lại về cha mẹ mình, Dara Khosrowshahi nói: “Với họ, đó là một giai đoạn chuyển đổi rất khó khăn. Những người được sinh ra tại nước Mỹ thường không nhận ra rằng đất nước này tuyệt vời như thế nào, vì nó cho phép những người như chúng tôi cơ hội khó tin để thành công”.
Nhà Khosrowshahi quyết định dồn chút lực ít ỏi còn lại cho giáo dục, và cho các con theo học một trường tư đắt tiền ở New York. Tại đây, Dara Khosrowshahi thấy mình được dễ dàng chào đón bởi những người bạn mới.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn không ngừng đeo bám nhà Khosrowshahi. Cuối thập niên 1980, cha của Dara là Asghar quay lại Iran để thăm ông nội bị ốm. Ông bị chính quyền Iran giữ lại 5 năm liền, không cho quay về nước Mỹ. Thế là cả nhà Khosrowshahi bị thiếu vắng trụ cột gia đình trong một thời gian dài.
Sau đó, khi Asghar được thả ra và quay trở lại New York, ông cũng gần như trở thành một người khác hẳn: trầm lắng, và chỉ quen nói những câu ngắn gọn, khô khốc. Cho đến ngày nay, vẫn không ai trong gia đình Khosrowshahi quay về Iran.
Những thử thách từ thuở nhỏ đã dạy Dara Khosrowshahi làm quen với rủi ro. Sau khi chứng kiến cha mẹ mình mất hết tất cả và phải làm lại từ đầu, ông thấy những thử thách trong môi trường kinh doanh tại Mỹ chẳng có gì đáng sợ.
Trở thành nhà lãnh đạo
Từ vị trí một dealmaker, việc chuyển đổi trở thành CEO không phải là điều đơn giản với Khosrowshahi. Chính ông cũng thừa nhận rằng mình không phải là một nhà lãnh đạo giỏi lúc mới lên nắm chức CEO tại Expedia vào năm 2005.
CFO Mark Okerstrom của Expedia, người đã gắn bó với công ty từ năm 2006 tới nay, nhận xét về quá trình thay đổi của Khosrowshahi: “Ông ấy trưởng thành hơn trong vị trí lãnh đạo, và học cách vận hành công ty từ bên trong”.
Theo Okerstrom, 10 năm trước đây, Khosrowshahi là người rất ngần ngại trong việc đưa ra các tiêu chuẩn về văn hóa hay sứ mệnh cho công ty. “Ông ấy sẽ nói theo kiểu ‘Ôi dào, đó toàn là mấy chuyện vẽ vời’. Ông ấy là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư mà. Việc trở thành một CEO thực sự là một hành trình với ông ấy”, Okerstrom kể.
Bước ngoặt lớn đã xảy đến với Khosrowshahi vào năm 2011. Khi đó, ông vẫn còn đang điều hành Expedia với “bàn tay sắt” và thích tự mình đưa ra tất cả quyết định. Nhưng phong cách đó chẳng làm cho Expedia đi tới đâu. Một nhà quản lý trẻ tuổi nằm dưới Khosrowshahi 3, 4 bậc đã trút hết dũng khí xin hẹn gặp riêng với vị CEO của mình.
Khosrowshahi nhớ lại: “Cô ấy nói thẳng với tôi rằng ‘Đừng nói rằng chúng tôi cần làm gì nữa, và thay vào đó hãy bắt đầu nói rằng chúng tôi cần đi tới đâu. Nếu anh nói chúng tôi cần đi tới đâu, chúng ta sẽ cùng đến được đó, nhưng nếu anh cứ nói chúng tôi cần làm gì, thì chúng tôi sẽ chẳng làm gì khi không có anh ở bên cạnh’”.
Từ đó, Khosrowshahi nhận ra rằng đã đến lúc cần phải thay đổi.
Một nhà lãnh đạo của Expedia là Aman Bhutani hồi tưởng lại: “Tôi còn nhớ là khi nói chuyện với Dara, khi anh ấy muốn nêu ra một quan điểm thì thay vì nói ‘Đây là những gì tôi nghĩ…’ như những người bình thường khác, anh ấy lại nói “Giả thuyết của tôi là…’”.
Theo Bhutani, đây là điều làm nên sự thay đổi lớn. Nó cho phép ngay cả một nhân viên tập sự cũng cảm thấy an tâm phản bác lại ý kiến của CEO. “Bạn không phản bác cá nhân CEO, bạn chỉ bàn bạc về giả thuyết của ông ấy thôi. Nó làm thay đổi cách mọi thứ diễn ra”, Bhutani bình luận.
Khosrowshahi lúc mới trở thành CEO của Expedia. Nguồn: Tnooz Dưới trướng Khosrowshahi và Bhutani, Expedia bắt đầu theo đuổi phong cách quản trị một cách khoa học. Công ty bắt đầu áp dụng triết lý “kiểm nghiệm và học hỏi” (test-and-learn). Theo triết lý này, 1/3 số ý tưởng sẽ thất bại, 1/3 sẽ đạt kết quả trung tính, và 1/3 sẽ là thành công lớn. Mọi người bắt đầu chấp nhận thất bại là điều không thể tránh khỏi, và từ đó trở nên mạnh dạn hơn trong việc chấp nhận rủi ro.
Với các nhân viên Expedia, điều rõ nét nhất trong sự thay đổi của Khosrowshahi là việc ông bỏ đi sự lạnh lùng của một chuyên viên ngân hàng đầu tư để trở thành một nhà lãnh đạo biết đồng cảm và dễ gần. Khosrowshahi không có văn phòng riêng, thay vào đó, bàn làm việc của ông nằm ở không gian mở, cho phép ai cũng có thể lại nói chuyện với ông. Khi Khosrowshahi đánh giá một nhân viên, ông cũng yêu cầu người đó đánh giá ngược lại mình.
Nhớ lại thời khắc Expedia buộc phải sa thải một loạt nhân viên do tác động của khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, Okerstrom kể: “Đó là lần đầu tiên trong một thời gian dài chúng tôi phải sa thải hàng loạt, và tôi vẫn còn nhớ cảnh Dara đứng dậy trong cuộc họp và bật khóc vì cảm thấy đó là điều rất khó khăn. Anh ấy thể hiện cảm xúc ngay tại chỗ. Đó là hình ảnh mà tôi nhớ mãi: vị CEO của công ty này thực sự bật khóc”.
Chiến binh trở lại
Để Expedia phát triển mạnh hơn, Khosrowshahi biết rằng đã đến lúc phải mạnh tay thực hiện một loạt các thương vụ M&A. Đây là lúc ông cho thấy rằng mình vẫn chưa đánh mất bản năng của một dealmaker.
Từ năm 2014 tới nay, Expedia đã tiến hành một loạt các thương vụ với tổng trị giá được công bố là gần 7 tỷ USD. Chỉ trong năm 2015, Expedia đã thâu tóm Travelocity với giá 280 triệu USD, Orbitz với giá 1,6 tỷ USD và HomeAway với giá 3,9 tỷ USD. Gần đây nhất vào tháng 7/2017, Expedia đã đầu tư 350 triệu USD vào dịch vụ OTA Traveloka của Indonesia.
Với Khosrowshahi, lời khuyên ý nghĩa nhất mà ông từng nhận được là từ Diller: “Ông ấy khuyên tôi ‘Đừng trở thành người bình thường’”. Diller dạy ông cách làm sao để tạo ra sự khác biệt, và đó chính là lý do tại sao Expedia thực hiện những thương vụ tỷ đô.
Khosrowshahi giải thích: “Bạn phải theo đuổi một con đường mà những người khác sẽ không hoặc không thể theo đuổi, và điều đó đòi hỏi bạn phải chấp nhận rủi ro. Chúng tôi không đặt cược tất cả những gì mình có, nhưng chúng tôi liên tục đánh cược. Chúng tôi có hàng trăm cú đánh cược từ cỡ nhỏ tới cỡ vừa, và đôi lúc chúng tôi có một cú đánh cược thật lớn như đã làm với HomeAway”.
Việc thâu tóm HomeAway bắt nguồn từ việc Expedia muốn tự xây dựng một dịch vụ chia sẻ nhà giống như Airbnb. Tuy nhiên, Expedia không làm việc này đủ nhanh để bắt kịp. Đây là lúc họ nhận thấy rằng một đối thủ lớn của Airbnb là HomeAway đang có dấu hiệu loạng choạng. Và thế là Khosrowshahi quyết định tìm cách thâu tóm công ty này.
Tuy nhiên, ban đầu 2 bên đã không đạt được thỏa thuận về giá cả, vì phía Expedia cho rằng cái giá mà HomeAway đưa ra là quá cao. Khi thời gian đàm phán gần hết, phía HomeAway yêu cầu có thêm một cuộc họp cuối cùng, tổ chức qua video. Đây là lúc Khosrowshahi thay đổi quan điểm: “Phía HomeAway có tầm nhìn rất rõ ràng, nhưng họ cần sự giúp đỡ. Cuộc họp đó đã thuyết phục chúng tôi chấp nhận thương vụ này”.
Theo Bhutani, Khosrowshahi là người có khả năng học tập và thích ứng không ngừng nghỉ, và đây cũng chính là một trong những ưu điểm lớn nhất của ông. Bhutani nhận xét: “Anh ấy vẫn còn rất giàu khao khát, nhưng cũng đồng thời khiêm tốn và minh bạch hơn bao giờ hết. Một người có thể tự cải thiện mình tốt hơn từng ngày như vậy là một người sẽ không thể bị đánh bại”.
Và giờ đây, Khosrowshahi đã quyết định theo đuổi một con đường mới, đó là trở thành CEO của dịch vụ gọi xe Uber, hiện là startup có giá trị lớn nhất thế giới. Liệu ông có thành công trong việc vực dậy một công ty vừa trải qua rất nhiều sóng gió và vẫn đang có những mâu thuẫn ngầm trong nội bộ giữa các cổ đông?
Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời, nhưng xem ra trước mắt Khosrowshahi sẽ là người phù hợp để làm thay đổi hoàn toàn văn hóa của Uber, như cách ông đã từng làm với chính bản thân mình.