Đến năm 35 tuổi bạn sẽ phải tiết kiệm được số tiền gấp đối so với mức lương hàng năm. Chỉ có như vậy, bạn mới có đủ khả năng chi trả cho cuộc sống khi nghỉ hưu ở tuổi 67, dành nhiều thời gian hơn cho việc hưởng thụ và chăm sóc bản thân, theo báo cáo gần đây của công ty dịch vụ tài chính Fidelity.
Tại Mỹ, số tiền tiết kiệm trung bình thường được tính theo độ tuổi lao động. Chẳng hạn như ở độ tuổi từ 32- 61, người ta chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5.000 USD. Tất nhiên, con số này còn kém xa so với mục tiêu tối thiểu 1 triệu USD cần để nghỉ hưu mà không phải lo lắng về tài chính.
Để có thể bắt kịp con số này, thậm chí nhiều hơn thì bạn cần phải tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt. Số tiền tiết kiệm lý tưởng dành cho giai đoạn hưu trí phải gấp đôi những gì bạn kiếm được trong những năm 30 tuổi. Lẽ tất nhiên, đây là một con số không hề nhỏ nhưng cũng không phải là không thể đạt được nếu biết sử dụng đúng quy tắc chi tiêu – tiết kiệm – đầu tư. Ông Ken Hevert, phó chủ tịch cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Fidelity đã tư vấn 3 yếu tố giúp bạn nhanh chóng tiết kiệm chi phí và mở rộng tài sản.
1. Mở tài khoản tiết kiệm
Đầu tiên, bạn cần phải có một nơi đặt tài khoản tiết kiệm đáng tin cậy để tránh những rủi ro không đáng có, nhất là khi bạn không sử dụng số tiền tích lũy được vào việc đầu tư. Cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là đăng kí tài khoản tiết kiệm dành cho hưu trí (401k) chính chủ.
Tài khoản tiết kiệm hưu trí sẽ đặc biệt có lợi khi bạn đang làm nhân viên cho một công ty nào đó, bạn sẽ được hưởng phúc lợi bảo hiểm, chính sách thuế và nghỉ hưu dành cho nhân viên của công ty đó. Ngoài ra, bên cạnh tài khoản hưu trí riêng do công ty hỗ trợ, nếu có thể vẫn nên mở một tài khoản tiết kiệm cá nhân khác để phục vụ cho tương lai sau này hoặc phòng trường hợp thất nghiệp một thời gian.
“Nên tận dụng tất cả các tiềm năng cho phép bạn mở rộng tài khoản tiết kiệm của mình, dù bạn có phải trả thuế hay được miễn thuế”, ông Hevert chia sẻ trên kênh CNBC.
2. Kiểm soát chi phí sinh hoạt
Bạn thật sự cần bao nhiêu phí sinh hoạt trong một tháng? Huyền thoại của giới đầu tư, tỷ phú Warren Buffett từng nói rằng: “Bạn nên chi tiêu những khoản sau khi đã tiết kiệm, thay vì tiết kiệm những khoản sau khi đã chi tiêu”. Đó cũng là tiêu chí và phương châm giúp ông tích lũy được khối tài sản khổng lồ như ngày hôm nay. Tổ chức Fidelity cũng đề nghị nên tiết kiệm 15% thu nhập mỗi năm, bắt đầu từ năm 25 tuổi và đầu tư hơn 50% số tiền tiết kiệm đó, còn lại là khoản tích lũy. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải chia nhỏ số tiền tiết kiệm được thành 3 phần chính: chi phí sinh hoạt, đầu tư và tích lũy.
Nếu công ty bạn đang làm việc không hỗ trợ tạo lập kế hoạch nghỉ hưu cho nhân viên thì bạn càng không được phép “bất động”, không làm bất cứ điều gì để cải thiện quỹ tiết kiệm của mình. Ông Hervert cho biết: “Ở tuổi 23, cho dù không có tài khoản tiết kiệm hưu trí do công ty hỗ trợ, bạn vẫn có thể tiết kiệm được khoảng 5.500 USD mỗi năm”.
3. Phân bố tài sản
Ngoài tích lũy, quan trọng hơn là bạn cần phải đa dạng hóa đầu tư để phát triển tài sản. Nên tạo ra một danh mục đầu tư đa dạng: “Mục đích đa dạng hóa sự đầu tư là do chu kỳ kinh tế và chính sách phát triển theo từng giai đoạn là khác biệt. Một mục đầu tư sẽ hoạt động tốt hơn mục đầu tư khác trong giai đoạn này và ngược lại”, ông Hevert cho biết.
Diễn biến thị trường kinh tế trong những năm qua đang có chiều hướng suy giảm, sự kết hợp đầu tư nhiều loại hình khác nhau sẽ giúp bạn tránh khỏi những rủi ro không đáng có khi đầu tư tất cả nguồn vốn vào một lĩnh vực nào đó.
Một khi đã mở rộng đầu tư, đồng nghĩa nguồn thu nhập cũng gia tăng. Do đó, bạn nên tăng khoản tiết kiệm lên 35% thay vì chỉ 15% tổng số thu nhập như trước. Con số này có thể giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề như mua nhà hoặc sinh con. Đây cũng là số tiền tối thiểu bạn cần phải kiếm được nếu muốn nằm trong danh sách 1% những người giàu có.
Nhìn chung, công việc không quyết định mức độ giàu có của bạn mà quan trọng là bạn tiết kiệm được bao nhiêu, đầu tư như thế nào để phát triển tài sản cá nhân. Những năm 30 tuổi được cho là giai đoạn vàng để tiết kiệm nếu muốn trở thành người giàu có hoặc chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu. “Tiết kiệm là cách để mọi người tự tin rằng họ có thể duy trì lối sống mong muốn, đồng thời đặt mình ở vị trí tốt nhất để không phải chịu cảnh cạn kiệt về mặt tài chính”, phó chủ tịch Ken Hervert chia sẻ.