Thoạt nhìn, sự xuất hiện của Amazon tại Singapore có thể là một tín hiệu mừng cho các tín đồ mua sắm tại Đông Nam Á, nhưng những trục trặc ngay ngày khởi động cũng như bản báo cáo tài chính khá thất vọng gần đây đều cho thấy một cuộc chơi không hề dễ dàng.
Sau hàng năm trời ngóng chờ, người tiêu dùng Đông Nam Á – hay chính xác hơn là Singapore – nay đã có thể tận hưởng trải nghiệm Amazon. Khi mở cửa tại Đảo Quốc Sư Tử, Amazon mang đến dịch vụ Prime Now với lời hứa sẽ gửi hàng 2 giờ sau khi mua.
Thế rồi trong vòng 2 ngày đầu tiên, hàng loạt người dùng Singapore lên tiếng ca thán rằng họ không thể thanh toán vì dịch vụ của Amazon quá tải. Tính đến ngày 2/8, Amazon đã phải thuê cả taxi sở tại để giao hàng.
Lại chạy đua về mo?
Không ai có thể phủ nhận được rằng mua sắm trực tuyến có thể mang lại những lợi thế về tính tiện lợi cho người dùng. Cuối cùng thì 10 phút đi lại vẫn không thể nhanh như… ngồi tại nhà chờ đợi. Ấy vậy nhưng để làm được điều này, Amazon phải xây dựng được một hệ thống nhà kho và vận chuyển nhuần chuyễn tại một thị trường vừa xa lạ, vừa đắt đỏ. Việc phải tận dụng cả taxi cho thấy cuộc chiến tại Singapore hiện tại (và các đô thị lớn của Đông Nam Á sau này) sẽ đòi hỏi khâu logistic cực kỳ đắt đỏ.
Và đó là còn chưa kể đến lợi thế cạnh tranh mà người tiêu dùng nào cũng đòi hỏi từ các trang thương mại điện tử: giá phải rẻ hơn đối thủ. Tại Mỹ, Amazon thường chỉ tập trung khuyến mại nhỏ lẻ cho một số mặt hàng mỗi ngày. Còn tại Đông Nam Á, Amazon sẽ phải đối mặt với các chương trình khuyến mại chạy quanh năm của Lazada, Zalora, Shopee…
Chìa khóa là tiền bạc
Như kết quả tài chính gây thất vọng của quý rồi vừa chứng minh,.chừng nào Amazon còn phải mở rộng đầu tư, công ty của Jeff Bezos vẫn sẽ phải chịu các khoản lợi nhuận mỏng như dao cạo. Khoản lãi mà Amazon đạt được trong quý 2/2017 chỉ là 197 triệu USD. Trong năm ngoái, Rocket Internet (công ty mẹ của Zalora và Lazada) đã lỗ tới 222 triệu USD.
Dù vậy, Amazon vẫn có những lợi thế nhất định. Tốc độ phát triển ổn định của AWS có thể tiếp thêm nguồn vốn cho gã khổng lồ này “đốt” vào những thị trường mới. Quan trọng hơn, Amazon đã có quá nhiều kinh nghiệm trong những cuộc chiến tiêu hao: những giai đoạn tương đối bình ổn với các khoản lợi nhuận đáng kể sẽ luôn luôn gắn liền với những quý tồi tệ, khi Jeff Bezos vung tiền cho dã tâm bành trướng.
Dã tâm đó chỉ phục vụ cho một mục đích duy nhất: sẽ có một ngày bạn có thể mua được bất cứ thứ gì từ Amazon, bất kể là iPhone, máy giặt, bỉm sữa, thực phẩm tươi sống hay thực phẩm chức năng. Trong một thế giới mà Amazon có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu ở mức độ tiện dụng cao nhất với người dùng, bạn không còn lý do gì để nghĩ đến Walmart, Lazada hay Fairprice.
Lý thuyết và thực tại
Dù vậy, tương lai về một “Everything Store” tại các thành phố như Singapore hay Kuala Lumpur sẽ là rất khó khăn. Và đó là một điều bất ngờ, bởi với diện tích cực kỳ nhỏ và hạ tầng giao thông, hạ tầng Internet phát triển, Singapore lẽ ra sẽ trở thành một địa bàn “vàng” để thương mại điện tử phát triển.
Nhưng đó mới chỉ là những cái nhìn về bề nổi. Ngay cả một thị trường như Singapore cũng có thể tạo ra một trở ngại kỳ cục: với diện tích nhỏ và giao thông phát triển, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt chân tới các cửa hàng vật lý và lựa chọn cho họ món đồ yêu thích. Những kịch bản dạng như “ship đồ từ New York về Detroit” (gần 1000km) không thể tồn tại ở Singapore. Khi bạn chỉ mất khoảng 40 phút là có thể đi từ bất cứ địa điểm nào về khu trung tâm mua sắm để tận mắt ngắm nhìn chiếc váy Zara trong mơ, bạn sẽ mất đi một lý do để mua sắm trực tuyến.
Và đó là còn chưa tính đến khả năng bạn có thể chỉ mất 10 phút để đến cửa hàng Zara gần nhà nhất, cũng chưa tính đến những chuỗi “đại siêu thị” như Giant và Fairprice. Cũng giống như Walmart, đây sẽ là những cái tên khiến mục tiêu “The Everything Store” – cửa hàng duy nhất của người tiêu dùng – trở nên cực kỳ khó khăn.
Dù sao, Amazon vẫn có lợi thế kinh nghiệm. Lịch sử 20 năm tồn tại của gã khổng lồ e-com đã luôn là một cuộc chiến tiêu hao bất tận. Đông Nam Á sẽ là ván bài tiếp theo của Jeff Bezos, và câu hỏi còn lại chỉ là, Amazon sẽ quyết tâm đến đâu để chinh phục miếng bánh khó nhằn này