Trước khi đạt được thành công rực rỡ với khối tài sản gần 65 tỉ USD và “đứa con cưng” kết nối khoảng 1,8 tỉ người trên thế giới, Mark Zuckerberg chưa bao giờ dám mơ tới một Facebook phát triển như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, với phương châm sống nổi tiếng của mình: “hành động nhanh, nghĩ đột phá”, vị CEO 33 tuổi đã giúp Facebook tăng trưởng đến chóng mặt và trở thành mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện nay thông qua những chiến lược không giống ai của mình.
Dưới đây là 5 “bí quyết vàng” của Mark Zuckerberg.
1. Có niềm tin vững chắc
Khi mới tích hợp News Feed, tính năng giúp người dùng theo dõi trạng thái của bạn bè, Facebook nhận được nhiều lời chê trách hơn là khen ngợi. Mark Zuckerberg nhớ lại: “Khi ấy, có rất nhiều người lên tiếng bày tỏ e ngại về News Feed”.
Trong một bài viết kỉ niệm 10 năm của tính năng này, Ruchi Sanghvi, người chịu trách nhiệm giám sát News Feed, vẫn còn nhớ như in những lời chỉ trích và thái độ cực đoan đến từ người dùng trong những ngày mới kích hoạt nó.
Cô nói: “Chúng tôi ra mắt News Feed trong đêm khuya. Lúc đó, cả đội đang bật nắp champagne ăn mừng và chẳng mảy may suy nghĩ chuyện gì sẽ đến sáng hôm sau. Khi mặt trời vừa ló dạng, hết thảy thức giấc với hàng trăm ngàn người dùng phẫn nộ, tựa hồ như muốn ‘ăn tươi nuốt sống’ cả đội kĩ thuật. Các nhóm như ‘Hội những người ghét News Feed’, ‘Ruchi là đồ quỷ sứ’ v.v. mọc lên như nấm chỉ sau một đêm. Cánh nhà báo và cả sinh viên thậm chí đã cắm trại ‘chực sẵn’ xung quanh công ty từ lúc nào. Chúng tôi đã phải dùng đến cửa sau mới có thể an toàn rời trụ sở”.
Tuy vậy, Mark Zuckerberg và cả đội đều tin rằng họ đã đi đúng hướng. Vị CEO này nói: “Mấu chốt nằm ở niềm tin của bạn, rốt cuộc thì bạn tin vào sáng kiến đó bao nhiêu. Cả đội chứ không riêng gì tôi, ai nấy đều tin xác quyết vào News Feed.”
Thực tế đã chứng minh cho niềm tin đúng đắn của Mark và các đồng sự. Sau khi kích hoạt tính năng mới, số lượng người tiếp cận Facebook đã tăng một cách chóng mặt và cho đến tận bây giờ, News Feed vẫn đứng sừng sững như một cột trụ vững vàng cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.
2. Không ngừng thử nghiệm
Facebook không đoán bừa mà thử nghiệm liên tục, tất cả vì một mục tiêu: Mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Một ngày, mạng xã hội này có thể chạy thử đến 10.000 phiên bản khác nhau để kiểm tra mức độ kết nối và chia sẻ của người dùng cũng như ước tính lợi tức mà nó thu về.
Mark Zuckerberg nói: “Việc cung cấp các công cụ cần thiết để lấy dữ liệu mà không phải thông qua những ý kiến, thủ tục quản trị nhiêu khê đến từ cấp trên trước khi kiểm tra một thứ gì đó sẽ giúp nhân viên tự do hơn cũng như khiến họ nhanh nhạy hơn trong hành động”.
Chính sự trơn tru, nhịp nhàng đó đã giúp cho các nhân viên ở Facebook tiến bước mau chóng, từ đó thu về nhiều phản hồi khách hàng hơn. Vị CEO 33 tuổi này nói: “Ở công ty của tôi và các đồng sự có phương châm, ‘hoàn thành’ tốt hơn ‘hoàn hảo’. Thu về phản hồi từ cộng đồng để từ đó quan sát và nhận ra hướng đi đúng đắn tốt hơn nhiều lần so với việc ra sức ‘đánh bóng’ thứ gì đó đến mức tối đa”.
3. Tạo nền tảng để đột phá
Tưởng chừng việc chuyển đổi từ nền tảng website sang ứng dụng trên di động sẽ là bước đi đột phá của Facebook, nhưng mọi việc lại không hề xảy ra như vậy. Chính sự bấp bênh này đã mang lại bài học to lớn cho công ty trong việc tạo nền tảng và chuyển đổi sang lĩnh vực khác.
Vị tỉ phú tiếp lời: “Chúng tôi gặp trở ngại ngay lúc khởi động. Ý tưởng ban đầu là phát triển một ứng dụng di động giống với những gì đã có trên màn hình vi tính, vốn là thứ quen thuộc với cả đội”.
Tuy nhiên, công việc không được xuôi chèo mát mái cho lắm và cuối cùng tất cả đã phải cay đắng đi đến quyết định: “Có vẻ điên rồ nhưng chúng tôi đã không thêm bất cứ tính năng mới nào trong vòng 2 năm. Mục tiêu trước mắt và quan trọng nhất là phải xây dựng một ứng dụng điện thoại đơn giản”.
Để giúp cả đội chuyển dịch một cách trơn tru, Mark Zuckerberg đã trực tiếp tập huấn và thiết lập các quy định gắt gao đối với những cá nhân đề xuất ý tưởng mới. Anh nhớ lại: “Cứ mỗi lần một nhân viên nào đó đến gặp tôi để nghe đánh giá sản phẩm thì bắt buộc phải cho tôi xem phiên bản điện thoại của Facebook đầu tiên, nếu không thì cầm chắc chiếc vé ‘bị đá đít’ ra khỏi văn phòng”.
Rõ ràng, việc xây dựng một nền tảng tốt và có mục tiêu mạch lạc sẽ giúp nhân viên luôn tập trung trong khi lên kế hoạch cho bước chuyển dịch đột phá.
4. Xây dựng đội ngũ gắn kết
Phần lớn thành viên ban quản trị của Facebook đều nắm giữ cương vị hiện tại thông qua quá trình làm việc và phấn đấu dài lâu chứ không phải do được giao phó ngay từ lúc đầu. Đơn cử như một phụ nữ ban đầu là trợ lý điều hành, bây giờ đang nắm vai trò quản lí “Nhóm Phát triển”. Người khác khi trước là kĩ sư, giờ phụ trách “Nhóm Sản phẩm” và cả “Phòng Nhân sự” nữa.
Cách thiết lập đội ngũ như thế này có cái hay riêng của nó, Mark Zuckerberg cho biết: “Khi bạn lập đội quản trị với các thành viên lâu năm tại công ty, bạn sẽ nắm trong tay những con người có sự tin cậy và gắn bó nhất định do đã cùng đồng cam cộng khổ và ý thức được làm cách nào để hoàn thành mục tiêu”.
Mark nói thêm: “Nó ‘bật đèn xanh’ cho mọi nhân viên trong công ty, cho họ biết rằng họ cũng có thể đạt được vị trí đó trong tương lai nếu làm tốt chức phận và vượt trội hơn người khác”.
5. Thuê người giỏi hơn mình
Xoay quanh vấn đề nhân sự, CEO của Facebook trả lời: “Khác biệt cơ bản giữa ‘công ty tốt’ và ‘công ty tuyệt vời’ nằm ở những nhân viên được tuyển dụng. Những công ty thành công vang dội luôn có những người sáng lập dám đặt bản thân xung quanh kẻ giỏi hơn mình”.
Quy tắc vàng được vị CEO này đưa ra: “Chớ thuê người mà ngay cả bản thân bạn cũng không muốn làm việc cho. Khi tuyển nhân viên, hãy hình dung tình huống ngược lại: Trong vị trí người đi xin việc thì bạn có thấy thoải mái nếu phải làm việc cho người này không? Nếu câu trả lời là không, thì bạn đang ‘cố đấm ăn xôi’ và thực chất bạn có thể làm được tốt hơn như vậy”.
Cách tuyển nhân viên như thế đảm bảo cho con đường phát triển của doanh nghiệp. Mark thú nhận: “Có những mặt mà Sheryl Sandberg mạnh hơn tôi rất nhiều và chính điều ấy lại làm cho tôi trở nên tốt hơn, đồng thời khiến Facebook tốt hơn. Tôi chẳng lo lắng mà hơn cả là trân trọng điều ấy”.