ÔNG CHỦ 8X SỞ HỮU HÃNG TIVI SẼ RA MẮT DÒNG SMARTPHONE GIÁ RẺ TRONG THÁNG 6

Doanh nhân 8x Phạm Văn Tam sẽ ra mắt dòng điện thoại thông minh cho người tiêu dùng có thu nhập thấp trong tháng 6 và đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng cho năm 2017.

Từ một doanh nghiệp không tên tuổi, sau 2 năm hoạt động, thương hiệu TV “made in Vietnam” mang tên Asanzo đã có mặt 63 tỉnh thành. Doanh thu năm 2016 đạt 2.500 tỷ đồng, với 500.000 chiếc tivi được tiêu thụ, chiếm 10% thị phần trên cả nước.

Ngoài ước mơ lấy lại thị trường nội địa, định danh Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu các thiết bị điện tử, ông chủ 8x còn lấn sân sang thị trường điện thoại thông minh bằng việc giới thiệu dòng smartphone giá rẻ trong 2 tháng tới.

polyad

Năm 2016, Asanzo bán ra 500.000 chiếc tivi.

– Là doanh nghiệp Việt hiếm hoi sản xuất tivi và gặt hái một số thành công ở lĩnh vực điện tử, vì sao anh đột ngột chuyển sang sản xuất smartphone?

– Đối với doanh nghiệp, việc xác định đúng chiến lược sản phẩm thực sự mang ý nghĩa sống còn.

Dù các sản phẩm tivi bán khá tốt, nhưng tôi cảm thấy có vẻ thương hiệu Asanzo đang đi lùi về mặt công nghệ. Vì thế, cần phải có smartphone.

Thực ra, đây là một phần trong kế hoạch kinh doanh mới, trong đó chú trọng vào việc nâng cao đẳng cấp thương hiệu, khẳng định chúng tôi không chỉ làm được chỉ một dòng sản phẩm.

polyad

Ông chủ đế chế tivi Việt thuộc thế hệ 8x chỉ mới học hết lớp 12.

 

– Vì sao anh nhắm đến thị trường smartphone bình dân khi hướng đi này đang có nhiều tên tuổi nước ngoài thống trị?

– Tôi thích câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thị trường bình dân vẫn có ngách “cao cấp”. Ngược lại, trong thị trường cao cấp và khu vực thành thị nhiều cạnh tranh, vẫn “lối đi hẹp” mà một số hãng sản xuất khác chưa chạm đến. Bản thân tôi thấy, thị trường thành thị còn rất màu mỡ cho các nhu cầu tiêu dùng đa dạng.

– Đâu là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp điện tử khi kinh doanh thêm smartphone?

– Điều có thể gây trở ngại chính của Asanzo chính là không phải điểm bán hàng nào cũng phù hợp với việc bán smartphone vì khách hàng ở nông thôn không quen mua điện thoại ở các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng điện lạnh, điện gia dụng.

Do đó, công ty sẽ liên kết với các cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại ở nông thôn, dự kiến đạt 1.500 điểm bán lẻ vào cuối năm nay.

– Anh phân bổ nguồn lực thế nào để đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh số tivi lẫn smartphone?

– 2016 được xem là năm thuận lợi của Asanzo với 500.000 chiếc tivi bán ra, doanh thu 2.500 tỷ đồng, chiếm 10% thị phần tivi trên cả nước. Năm nay, mục tiêu của chúng tôi là 700.000 chiếc.

Riêng mảng tivi, công ty sẽ chuyển sang các sản phẩm TV LED và smart tivi. Hiện, trong cơ cấu doanh thu của Asanzo, tivi vẫn nắm chủ lực với 70%, hàng gia dụng 10%, còn lại là các sản phẩm quạt làm mát. Chúng tôi vẫn ưu tiên mọi nguồn lực để gia tăng thị phần tivi và gặt hái một số thành công nhất định ở phân khúc smartphone giá rẻ.

– Anh làm thế nào để đạt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm 2017?

– Năm 2017, chúng tôi ra mắt thêm nhiều sản phẩm điện tử điện gia dụng mới như tivi màn hình cong loại 32,40,50 inch, máy lạnh inverter, máy làm mát không khí, nồi cơm điện tử (cao tầng), loa…

Tại miền Bắc, sản phẩm của Asanzo luôn bị thiếu hàng. Chúng tôi dự định đầu tư một nhà máy tại khu vực phía Bắc để cung ứng cho thị trường này, đồng thời giảm chi phí vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc.

Trong xu thế phát triển, số lượng các đại lý truyền thống cũng giảm sút đến phân nửa so với 5 năm trước. Tôi nghiệm ra rằng, nếu không theo kịp kênh phân phối hiện đại, sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Công ty đang nắm khoảng 6.000 điểm bán hàng, cả kênh hiện đại lẫn truyền thống, trên toàn quốc. Đội ngũ giao nhận được đầu tư khá bài bản, có thể giao hàng trong vòng 24 tiếng nhờ hệ thống tổng kho đặt ở 3 vùng.

polyad

Tham vọng của Asanzo là trở thành thương hiệu điện tử, điện gia dụng cho mọi nhà.

– Gặt hái một số thành công ở phân khúc tivi giá tầm trung, nhưng anh muốn chinh phục thêm 20% khách hàng giàu có. Anh làm thế nào để hiện thực hóa điều này?

– Chúng tôi đang được đón nhận rộng rãi ở phân khúc bình dân. Điều này có thể khiến cho người giàu nghĩ rằng chúng tôi chưa có sản phẩm dành cho họ. Chiến lược 5 năm tới của Asanzo là đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm cao cấp, lấy tiền từ túi của 20% khách hàng giàu có. Vẫn theo đuổi chiến lược tối giản như đã áp dụng ở phân khúc thấp, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao bình dân hóa hàng hiệu điện tử.

Tham vọng của Asanzo là trở thành thương hiệu điện tử, điện lạnh, gia dụng mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô hơn nữa, tập trung vào chất lượng sản phẩm với mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, công ty sẽ hoàn thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, chính sách hậu mãi “phục vụ tận nơi, bất kể giờ giấc, địa hình hiểm trở”.

Nguồn: Vnexpress