Từ kỹ sư chuyên về cây lúa, anh Võ Phước Giàu đã khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư xám, sạch và tận dụng các phụ phẩm để trồng nấm rơm, cải mầm cho thu nhập trên chục triệu mỗi tháng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Công nghệ sinh học của Đại học Cửu Long, chàng kỹ sư nông nghiệp – Võ Phước Giàu ngụ ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp xin vào làm cho Công ty phân bón thuốc trừ sâu với vai trò kỹ sư cây lúa.
Anh hướng dẫn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc cây lúa cho bà con nông dân. Vốn tính chịu khó và đam mê kinh doanh nên anh đã mượn vốn gia đình để đầu tư kinh doanh phòng tập thể hình tại Thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang). Việc kinh doanh tuy có hiệu quả nhưng phần vì công việc chuyên môn, phần phải lo chăm sóc gia đình nên anh đành khép lại nghề tay trái này.
Mỗi tai nấm có trọng lượng từ 40 – 80 gram. Ảnh: Chí Trung. |
Là dân chuyên công nghệ sinh học và sau đó thấy nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, nhu cầu thị trường cần nên anh quyết tâm tìm cho mình hướng khởi nghiệp từ cây nấm bào ngư.
Giữa năm 2016, trại nấm mang tên “Thần Nông” được ra đời với diện tích hơn 300m2 được anh Giàu bố trí để nghiên cứu, thí nghiệm và trồng thử nấm bào ngư xám theo hướng sạch. Ban đầu, anh cũng gặp khá nhiều khó khăn vì đây là sản phẩm mới nghiên cứu, kỹ thuật trồng cũng chưa nắm vững nên trải qua bao lần thất bại và mất vốn.
Tuy vậy, anh Giàu vẫn không nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những hạn chế của meo nấm, cách nhân giống, sử dụng dưỡng chất để nuôi cấy. Cuối cùng thì thành công cũng đã mỉm cười với anh. Sau đó, anh Giàu tiếp tục nhân giống và quảng cáo đến với bạn bè.
“Thành công nào cũng phải trải qua rất nhiều thất bại và chấp nhận thất bại thì chúng ta mới có thể thành công”, anh chia sẻ và cho rằng khởi nghiệp là quá trình khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và tính chịu khó.
Khởi đầu khó khăn
Bước đầu, do không đủ dụng cụ để thanh trùng và đóng phôi, anh phải đi ra tận Đà Lạt để học hỏi những kinh nghiệm khởi nghiệp từ bạn thân và về tự nghiên cứu, học hỏi. Hiện tại, mỗi tháng anh Giàu cung cấp trên 10.000 túi phôi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, cùng hàng trăm kg nấm tươi cho thị trường rau củ của địa phương.
Bình quân mỗi kg nấm tươi, anh Giàu bán cho thương lái với giá 35.000 đồng và nấm bán trên thị trường có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng một kg. Đồng thời, anh Giàu còn tiến hành ký kết hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm nấm trồng và chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của anh.
Nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, anh nhận thấy nấm cũng dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và côn trùng tấn công. Để tạo môi trường tốt đòi hỏi cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản phải đúng kỹ thuật.
Hiện tại, anh Giàu đang tiếp tục đầu tư hệ thống thanh trùng các nguyên liệu và sẽ tiến hành thử nghiệm trên nhiều giá thể khác nhau như: xác thân bắp, trái bắp, rơm, lục bình…, những phế phẩm sẵn có của địa phương. Anh cho biết, trại nấm sạch được đầu tư và chăm sóc tốt thì bình quân quá trình chạy tơi từ 50 đến 55 ngày và 65-70 ngày sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. Quá trình cho thu hoạch từ 2 đến 4 ngày mỗi đợt và 20-25 ngày sau sẽ thu hoạch đợt tiếp theo.
Chu kỳ túi phôi từ khi gieo trồng cho đến kết thúc có thể thu từ 4 đến 5 lần. Mỗi quả thể nấm có cân nặng 40-80 gram trên mỗi tay nấm. Trung bình mỗi túi phôi có thể cho năng suất từ 160 đến 250 gram nấm tươi. Quá trình chạy tơi và thu hoạch có thể dài hơn hoặc ngắn hơn là phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ trại nấm và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chăm sóc sẽ cho kết quả khác nhau giữa các nông dân trồng nấm.
Anh Giàu cho biết bản thân luôn sẵn sàng hướng dẫn nông dân tận tình và hỗ trợ họ kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm trong 70 ngày đầu tiên, kể cả lo luôn vấn đề đầu ra.
Thành quả từ công sức lao động không mệt mỏi
Bình quân mỗi kg nấm, anh thu mua lại của nông dân với giá 25.000 đồng và tăng giá nếu thị trường có biến động lên. Với mô hình cung cấp meo giống, phôi giống và bán nấm bào ngư thương phẩm này, mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn chục triệu đồng, tức mỗi năm hơn 100 triệu.
Theo anh Giàu, để tận dụng phế phẩm của phôi nấm thu hoạch xong là mùn cưa, anh còn tiến hành xử lý vôi, khử trùng để phối trộn trồng nấm rơm trên khay gỗ và trên đất cho năng suất cao. Sau đó, phụ phẩm trồng nấm rơm tiếp tục phối trộn và trồng lại cải mầm, tạo mô hình trồng khép kín đảm bảo tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Bên cạnh đó, những phế phẩm nấm rơm hiện đang được anh tiến hành nghiên cứu làm thức ăn cho trùn quế và sử dụng phân của trùn quế làm giá thể trồng nấm. Theo anh Giàu, đây là cách hạn chế tối đa sự tận thu của các nguồn và đồng thời hạn chế thải ra môi trường các chất phế phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Định hướng về tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình khép kín và trồng thử nghiệm nhiều loại nấm khác như: nấm kim châm, nấm đùi gà, đồng thời sử dụng phế phẩm làm phân hữu cơ để cung cấp lại cho các loại rau màu.