Ở tuổi 25, chàng trai người Hong Kong Terence Kwok đang điều hành một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất thị trường này với giá trị có thể đạt hơn 1 tỷ đôla
Mỗi khi đi du lịch nước ngoài, nhiều người phải chật vật để tìm cách kết nối Internet. Họ có thể mua một sim điện thoại địa phương, thuê một bộ phát wifi di động hoặc tiết kiệm nhất là cố gắng tìm những địa điểm cung cấp wifi miễn phí. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này hoặc là tốn kém, hoặc là khá bất tiện.
Do vậy, lúc 20 tuổi, Terence Kwok nghĩ thêm một giải pháp cho khách du lịch. Đó chính là cho họ thuê điện thoại để sử dụng khi đến các địa phương xa lạ. Anh thành lập Tink Labs để bắt đầu ý tưởng của mình.
Ban đầu, Tink Labs nhắm đến các khách du lịch ở sân bay. Công ty của Terence Kwok cử nhân viên đến các nhà ga để chào mời dịch vụ cho thuê điện thoại. Thế nhưng, kết quả lại không như anh tưởng tượng. “Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng du khách chỉ muốn làm sao để nhanh chóng rời khỏi sân bay mà thôi”, Terence Kwok nói.
Với tên gọi Hangdy, điện thoại của Tink Labs được khách sạn đặt trong phòng để quảng cáo dịch vụ và cho phép khách thuê mang ra ngoài để truy cập Internet, thực hiện các cuộc gọi nội địa và quốc tế hay quay số nhanh về khách sạn. Tất cả đều miễn phí với điều kiện khách thuê phòng có cung cấp sẵn điện thoại sẽ phải trả thêm khoảng 21 đôla mỗi đêm. Giai đoạn ban đầu, công ty có 120.000 chiếc smartphone, được đặt trong phòng khách sạn thuộc hệ thống quản lý của Starwood, Accor, Shangri-la và Melia tại 20 thành phố trên thế giới. Dịch vụ này hiện là đối tác tin cậy của các nhóm khách sạn hàng đầu như Ritz-Carlton, Intercontinental, Sheraton… giúp 10 triệu người thuê phòng có thể kết nối tại các thành phố mà họ du lịch.
Terence Kwok nói rằng khách sạn thích ý tưởng này vì nó tăng độ hấp dẫn và dịch vụ cho khách sạn. Còn khách du lịch thì cảm thấy hài lòng hơn với sự tiện nghi mà không nghĩ đến vấn đề chuyển vùng, mua sim hay tìm wifi miễn phí. Theo khảo sát của Tink Labs, có đến 30% khách thuê liên hệ với khách sạn thông qua chiếc điện thoại thay vì mở sổ hướng dẫn bằng giấy. Nhiều khách sạn cũng thừa nhận, các dịch vụ của khách sạn như spa hay nhà hàng được đặt nhiều hơn khi để sẵn chiếc điện thoại trong phòng.
Hồi tháng 9/2016, Tink Labs đã huy động được 125 triệu đôla và được định giá ở mức 500 triệu đôla. Các nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Foxconn, Quỹ Sinovation Ventures (Trung Quốc) và chủ tịch Meitu – Cai Wensheng. Hiện startup này đang trong quá trình huy động thêm 40 triệu đôla và nhắm đến mục đích được định giá hơn 1 tỷ đôla. Tuy nhiên, việc huy động vốn đang tiến hành và con số cuối cùng có thể thay đổi do nhiều thông tin chưa được công khai. Tink Labs đã tăng gấp đôi số nhân viên, lên hơn 300 người trong năm qua. Đợt huy động vốn lần này sẽ giúp công ty có thể tiếp tục mở rộng và thuê thêm nhân viên.
Theo số liệu của CB Insights, trong khi Trung Quốc đại lục đang có một số lượng lớn startup tầm cỡ thì Hong Kong lại vắng mặt trong top đầu. Hong Kong chưa có công ty khởi nghiệp nào được định giá trên 1 tỷ đôla mặc dù được xem là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á. Theo Bloomberg, sự thiếu vắng này xuất phát từ văn hóa chuộng tìm kiếm công việc ổn định trong các công ty hơn là lựa chọn con đường tự khởi nghiệp đầy rủi ro. Đồng thời, các startup có ý tưởng trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như bán lẻ, thì lại đang bị kiểm soát bởi các tỷ phú và những tập đoàn của họ.
“Rõ ràng là có một số thách thức vì nó không phù hợp với tất cả khách sạn. Ở Trung Quốc, không có nhiều du khách có nhu cầu sử dụng. Vì vậy, nó phù hợp với các thị trường như Hong Kong, Singapore, Thụy Sỹ và tương tự”, nhà sáng lập Kai-Fu Lee của Sinovation Ventures nhận xét.
Trong khi đó, Foxconn đang đổ vốn đầu tư cho Tink Labs thông qua FIH Mobile. Đơn vị này đang hợp tác với Tink để cung cấp một phiên bản smartphone mới, cho phép người sử dụng có thể điều khiển các thiết bị giải trí trong phòng.